Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 3/22/2011(UTC) Posts: 3,069
Thanks: 324 times Was thanked: 364 time(s) in 256 post(s)
|
Tin Tong Hop
Thánh lễ tại Santa Marta 4/12/2018: Mùa Vọng là thời gian làm hòa trong linh hồn, gia đình, và lối xóm
Đặng Tự Do 04/Dec/2018

Anh chị em hãy xây dựng hòa bình trong tâm hồn, trong gia đình và trên thế giới thông qua sự khiêm nhường, đó là cách thế tốt nhất để chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh trong Mùa Vọng. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba mùng 4 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta.
Ngài nhấn mạnh rằng kiến tạo hòa bình bao gồm đừng nói xấu, gây hại cho những người khác, và khiêm nhường hạ mình như chính Chúa Giêsu đã hạ mình xuống trên chúng ta.
Giải thích về bài đọc một trích từ sách tiên tri Isaia “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng,” Đức Thánh Cha nói rằng vị tiên tri đã tiên báo với chúng ta rằng bình an của Chúa Giêsu làm thay đổi cuộc sống và lịch sử, là đó là lý do tại sao Ngài được gọi là “Hoàng Tử Bình An”.
Linh hồn
Mùa vọng, do đó, là thời gian để chuẩn bị bản thân chúng ta làm hòa với chính mình vì tâm hồn của chúng ta quá thường khi chồng chất biết bao những lo lắng, đau khổ và mất hy vọng. Vì thế, cần phải bắt đầu với chính mình.
Hôm nay Chúa đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: liệu tâm hồn của chúng ta có bình an hay không? Nếu không, chúng ta hãy kêu cầu Hoàng Tử Bình An ban hòa bình cho tâm hồn chúng ta, để chúng ta có thể gặp Ngài. Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng quá thường khi chúng ta để ý đến linh hồn của người khác hơn là của chính chúng ta.
Gia đình
Sau khi tìm được bình an trong tâm hồn, chúng ta hãy kiến tạo hòa bình trong nhà, trong gia đình, Đức Thánh Cha nói. Ngài ghi nhận rằng nhiều nỗi buồn trong các gia đình xuất phát từ những tranh chấp, những “cuộc chiến tranh nhỏ” và đôi khi sự thiếu hiệp nhất.
Ngài mời gọi các Kitô hữu tự vấn lòng mình xem liệu họ đang sống trong hòa bình hay trong chiến tranh với những người khác trong gia đình; đang xây đắp những nhịp cầu hay đang xây những bức tường ngăn cách.
Thế giới
Đức Thánh Cha sau đó đã nói về việc kiến tạo hòa bình trên thế giới nơi đang có rất nhiều chiến tranh, chia rẽ, hận thù và bóc lột. Các Kitô hữu nên tự hỏi họ đang làm gì để kiến tạo hòa bình trên thế giới bằng cách làm việc cho hòa bình trong khu phố, trong trường học và tại nơi làm việc.
Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu tự vấn xem liệu họ có đang tìm cách bào chữa cho việc gây chiến, thù ghét, nói xấu những người khác và lên án họ; hay họ đang hiền lành, khiêm nhường trong lòng, và cố gắng xây những nhịp cầu.
Cả trẻ em cũng phải tự hỏi xem có ăn hiếp chúng bạn nơi trường học, bắt nạt những trẻ yếu đuối hơn mình; hay đang xây dựng hòa bình và tha thứ cho mọi thứ.
Kiến tạo hòa bình như Chúa
Đức Thánh Cha nhắc nhở cộng đoàn rằng hòa bình không đứng yên một chỗ, nhưng luôn luôn tiến về phía trước. Hòa bình bắt đầu với tâm hồn, và sau cuộc hành trình hòa bình lại trở về với tâm hồn. Để kiến tạo hòa bình, chúng ta cần bắt chước Thiên Chúa. Khi Ngài muốn giao hòa với chúng ta, Ngài tha thứ cho chúng ta, Ngài đã sai Con Ngài đến để làm hòa cùng chúng ta.
Để trở thành một người kiến tạo hòa bình, theo Đức Thánh Cha, người ta không cần phải là khôn ngoan, thông thái hay thâm cứu về hòa bình. Hòa bình là điều được Chúa nói đến trong Phúc Âm. Chúa Giêsu đã từng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.”
Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các Kitô hữu hãy làm cho mình ra nhỏ bé, khiêm nhường và là đầy tớ của người khác. “Chúa sẽ cho anh chị em khả năng hiểu làm thế nào để xây dựng hòa bình và sẽ ban cho anh chị em sức mạnh để thực thi điều đó”
Dừng ngay những “cuộc chiến tranh nhỏ”
Để kết luận, Đức Thánh Cha khuyên cộng đoàn rằng nếu có một “cuộc chiến nhỏ” ở nhà, trong trái tim, ở trường hoặc tại nơi làm việc, chúng ta nên dừng ngay cuộc chiến đó lại và cố gắng xây dựng hòa bình. “Không bao giờ, không bao giờ làm tổn thương người khác. Không bao giờ.” Ngài đặc biệt khuyến khích các Kitô hữu bắt đầu bằng cách đừng nói xấu người khác. Như thế, chúng ta trở thành những người nam nữ hòa bình, những người mang đến hòa bình.
Thánh lễ tại Santa Marta 3/12/2018: Mùa Vọng là thời gian thanh luyện đức tin
Đặng Tự Do 04/Dec/2018

Mùa Vọng, với ba chiều kích: quá khứ, tương lai và hiện tại, là cơ hội để hiểu biết trọn vẹn hơn biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu tại Bethlehem và để vun trồng tương quan cá vị với Con Thiên Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai mùng 3 tháng 12 tại nhà nguyện Santa Marta.
Trong bài giảng của ngài, Đức Thánh Cha lưu ý rằng, Mùa Vọng đã bắt đầu từ Chúa Nhật 2 tháng 12, là thời gian thích hợp “để thanh luyện tinh thần, và để tăng trưởng đức tin nhờ việc thanh luyện tinh thần này”. Lấy ý từ bài Tin Mừng trong ngày theo Thánh Mátthêu (Mt 8,5-11) trong đó đề cập đến cuộc gặp gỡ tại Capernaum giữa Chúa Giêsu và viên đội trưởng là người đã xin Chúa Giêsu chữa lành cho người hầu đang nằm liệt giường của mình; Đức Thánh Cha nói rằng cả ngày nay, một điều có thể xảy ra là đức tin trở thành một thói quen và chúng ta quá quen đến mức quên đi “sức sống” của đức tin. Khi đức tin trở thành thói quen, chúng ta đánh mất sức mạnh của đức tin ấy, vì thế, sự mới mẻ của đức tin cần luôn phải được canh tân.”
Giáng Sinh không được trở thành thế tục
Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chiều kích đầu tiên của Mùa Vọng là quá khứ, là “sự thanh luyện ký ức”. Chúng ta phải nhớ rằng Giáng Sinh không phải là sự chào đời của cây thông Noel nhưng là ngày sinh của Chúa Giêsu Kitô.
Chúa đã xuống thế làm người vì chúng ta, Đấng cứu chuộc đã đến để cứu chuộc chúng ta. Đúng là một ngày đại lễ nhưng chúng ta luôn phải đối mặt với nguy cơ trần tục hoá lễ Giáng Sinh. Khi ngày lễ này không còn là sự chiêm ngắm, khi ngày lễ gia đình tuyệt vời này không đặt Chúa Giêsu ở trung tâm, thì nó bắt đầu trở thành một lễ hội trần thế: mua sắm, tặng quà, thứ này, thứ khác. Và Con Thiên Chúa dù vẫn luôn ở đó, bị lãng quên đi. Ngay cả trong cuộc đời của chúng ta cũng vậy: đúng là Người đã được sinh ra ở Bethlehem, nhưng mà vân vân và vân vân. Mùa Vọng vì thế là mùa thanh luyện ký ức quá khứ, mùa của chiều kích này.
Thanh luyện hy vọng
Đức Thánh Cha nói tiếp rằng Mùa Vọng cũng là mùa để “thanh luyện hy vọng”, để chuẩn bị chúng ta cho “cuộc gặp gỡ đời đời với Thiên Chúa”.
Bởi vì Chúa đã đến và Ngài sẽ trở lại. Ngài sẽ trở lại để hỏi chúng ta: “Cuộc sống của con thế nào?”. Đó sẽ là một cuộc gặp gỡ cá vị. Chúng ta có cuộc gặp gỡ cá vị ấy trong ngày hôm nay nơi Bí Tích Thánh Thể. Chúng ta tưởng nhớ biến cố Giáng Sinh diễn ra hơn 2000 năm trước mà chúng ta không thể gặp gỡ cá vị với Ngài trong biến cố ấy. Nhưng khi Ngài trở lại, chúng ta sẽ có cuộc gặp gỡ cá vị ấy. Đó là sự thanh luyện hy vọng của chúng ta.
Thiên Chúa gõ cửa con tim chúng ta
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy vun trồng chiều kích mỗi ngày của đức tin, bất kể cơ man những lo toan và âu lo, bằng việc “chăm sóc” cho “ngôi nhà nội tâm” của chính chúng ta. Thực vậy, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của “những ngạc nhiên”, và các tín hữu Kitô cần phải thường xuyên nhận ra những dấu chỉ mà Cha trên trời đang nói với chúng ta mỗi ngày:
Chiều kích thức ba mang tính hàng ngày nhiều hơn: đó là thanh tẩy sự tỉnh thức của chúng ta. Tỉnh thức và cầu nguyện là hai từ của Mùa Vọng; bởi Thiên Chúa về mặt lịch sử Chúa đã giáng trần tại Bethlehem; Người sẽ lại đến vào thời thế mạt cũng như vào cuối cuộc đời của mỗi người chúng ta. Nhưng mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc, Người cũng ngự đến trong tâm hồn chúng ta, qua sự linh hứng của Chúa Thánh Thần.
Xin Chúa chữa lành cho con
12/6/2018 7:32:20 AM
Thứ Sáu Tuần I MV (Is 29, 17-24; Mt 9, 27-31)
 Không ai lại muốn con mắt của mình bị mù. Có nó, ta nhìn được cảnh vật sắc màu chung quanh. Thế mà chúng ta lại sợ thứ ánh sáng soi rõ con người thực của ta mà lắm khi ta muốn giấu giếm. Hễ ai, kể cả Chúa, đụng chạm đến hay phanh phui, ta thường phản ứng hệt như lũ gián chạy trốn ánh sáng.
Vì thế, Chúa Giêsu không chỉ chữa lành con mắt xác thịt cho những người mù. Ngài còn muốn ban cho họ cặp mắt mới, cặp mắt đức tin. Từ nay, họ vừa thấy cuộc đời bằng con mắt tự nhiên, lại vừa nhận ra ý nghĩa cuộc đời bằng con mắt đức tin; nhận ra trong đời mình có Chúa đồng hành; và nhất là dám đáp trả với Chúa: “Thưa Ngài, chúng tôi tin” để được thấy.
Tin Mừng trong trình thuật Chúa chữa hai người mù hôm nay là sự tiếp nối những chỉ dẫn cụ thể trên khi mời gọi tín hữu noi gương hai người mù: hoàn toàn trông cậy, hoàn toàn tín thác vào Tình yêu toàn năng của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu – Con Thiên Chúa làm người, Con vua Đavít.
Hai người mù không thấy đường đi nhưng vẫn theo bước Đấng họ tin rằng Ngài giàu lòng xót thương và có khả năng chữa họ sáng mắt. Đức Giêsu nhìn thấy lòng tin ấy qua những bước chân xiêu vẹo và tiếng kêu đầy tín thác, nhưng Ngài vẫn cần ở họ lời tuyên tín nơi cửa miệng trước khi được ban ơn (Rm 10, 10). Hai người mù đã tuyên xưng niềm tin, và họ không phải chờ đợi lâu: họ đã thấy điều họ tin.
Khi hai anh mù gọi Đức Giêsu là Con vua Đavít (c. 27), họ nhìn nhận Ngài là Đấng Mêsia, Đấng Thiên Sai. Bởi thế họ hy vọng Ngài sẽ cho họ quà tặng của thời thiên sai. “Xin thương xót chúng tôi” là xin đưa chúng tôi ra khỏi cảnh mù lòa. Đức Giêsu đã muốn chữa hai anh một cách kín đáo, tại nhà của Phêrô. Ngài không chữa cho họ ngay lập tức, nhưng lại hỏi họ một câu rất lạ : “Các anh có tin là tôi có thể làm được điều ấy không?” (c. 28). Chỉ khi họ tuyên xưng niềm tin vào quyền năng của Ngài, Đức Giêsu mới mở mắt cho họ bằng một lời và một chạm nhẹ (c. 29). Niềm vui quá lớn khiến họ không giữ được lặng thinh (c. 31).
Họ chỉ có một khao khát là thấy được những gì mà chúng ta đang thấy. Sự ao ước nhìn thấy ánh sáng và vạn vật xung quanh cuộc sống của họ được miêu tả qua việc khi nghe thấy danh Đức Giêsu và biết được những phép lạ mà Người đã làm, thì ngay lập tức họ đã đi theo Người để kêu lên: “Lạy con vua Đavít, xin thương xót chúng tôi.” (Mt 9, 27). Hai người mù này mặc dù bị mù về mặt thể lý, nhưng con mắt đức tin của họ thì thật sáng ngời. Cũng chính vì họ có lòng tin mạnh như vậy nên phép lạ đã trổ sinh và “Mắt họ liền mở ra” (Mt 9, 30).
Đức tin của hai người mù là yếu tố then chốt để họ được chữa khỏi cảnh mù lòa vốn kéo ghì cuộc sống của họ, đẩy họ ra bên lề xã hội. Thế nhưng họ tin gì? Trong tình thế éo le của mình, hai người mù chắc phải tin rằng Chúa Giêsu có quyền năng để thực hiện điều họ mong ước, tức là chữa họ khỏi mù lòa. Qua cách trình bày của thánh Matthêu, ta còn nhận ra họ khẩn nài và tin tưởng lòng thương xót của Chúa: “Hỡi Con vua Ðavít, xin thương chúng tôi”. Nói khác đi, lòng tin của hai người mù trước hết và trên hết là sự tin tưởng vào lòng thương xót và tình yêu vô bờ của Chúa, chứ không phải chỉ là việc tin rằng Chúa sẽ ban cho họ điều họ khấn xin.
Không khó để ta nhận ra rằng nhiều khi ta cũng mù mờ về chính mình và mùa lòa trên đường đời. Mù mờ về chính mình, nên ta khó nhận ra những khát vọng chính đáng từ sâu thẳm hồn ta, khó nghe được tiếng của Đấng đang ẩn náu nơi kín đáo nhất của tâm linh ta, vì thế mà ta khó lòng trung thành với Đấng ta đã từng tuyên xưng niềm tin vào Ngài, khó mà trả lời cho những ai cật vấn niềm tin của ta, nhất là khó đứng vững trước những trào lưu tư tưởng và xu hướng sống tuy trái ngược với niềm tin nhưng lại rất hấp dẫn và mời mọc ta. Mù lòa trên đường đời, nên ta dễ dàng chạy ngược chạy xuôi vì những điều người ta nói Đấng Kitô ở đây hay ở kia (Lc 17, 23), ta dễ dàng rơi vào tình trạng hoảng loạn vì những tin tức về ngày tận thế, điều mà chính Chúa Giêsu cũng không biết (Mt 24, 36).
Mù lòa thể xác ai cũng biết, nhưng mù lòa tâm hồn thì không dễ nhận ra. Chúa Giêsu chính là ánh sáng. Chỉ trong ánh sáng của Chúa người ta mới thực sự nhìn thấy ánh sáng. Mùa Vọng nhắc cho ta: Chúa Kitô đã đến để cứu độ ta. Tôi có đến với Chúa Giêsu để xin Người mở con mắt đức tin, xóa cảnh mù lòa để tôi thấy Chúa hiện diện trong mọi sự, để tôn vinh, cảm tạ, lắng nghe và cầu xin với Người?
Mù quáng vẫn là cơn cám dỗ khủng khiếp nhất của con người. Mù quáng chính là không còn nhận thức và chấp nhận sự mù lòa của mình. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã lên án thái độ mù quáng của Biệt Phái, họ cuộn mình trong nấm mồ tăm tối của những thành kiến và mớ kiến thức hạn hẹp của con người để khước từ ánh sáng của Thiên Chúa.
Việc cầu xin với Thiên Chúa về những nhu cầu cụ thể và tin tưởng Ngài sẽ nhận lời là điều cần thiết và tốt đẹp; nhưng nếu dừng lại ở đó thì tương quan giữa Thiên Chúa và chúng ta chỉ giống như ông chủ và đầy tớ, giữa người ban ơn và kẻ nhận ơn. Đó chắc chắn không phải là điều Thiên Chúa muốn. Mối tương quan giữa Thiên Chúa và chúng ta phải là mối liên hệ cha - con, và Ngài đã làm tất cả để giúp ta sống mối tương quan này.
Do đó, Thiên Chúa muốn chúng ta cầu xin với tâm tình con thảo, tức là trước hết và trên hết tin tưởng vào lòng thương yêu vô bờ của Ngài, Đấng “sẽ ban cho con cái mình những của tốt của lành” (Lc 11, 13) dù đôi khi khác ý ta xin. Lòng tin tưởng đó đòi chúng ta phải dám từ bỏ những bậc thang giá trị của thế gian, từ bỏ những đảm bảo trần thế, từ bỏ cả chính mình để mặc lấy tâm tình của người con thơ phó thác cuộc đời mình trong bàn tay yêu thương chăm sóc của cha mẹ.
Nếu chúng ta không chữa trị bệnh mù tâm linh này cách triệt để, thì nó có thể làm cho linh hồn chúng ta sa vào lửa hỏa ngục ngàn đời. Mỗi người trong chúng ta cần tìm những liều thuốc tốt nhất để phòng chống cũng như ngăn cản căn bệnh này. Những liều thuốc đó không xa lạ gì chính là Lời Chúa và các giáo huấn của Giáo Hội. Chúng ta hãy lắng nghe, đón nhận, rồi thấm nhuần Lời của Chúa vào trong máu thịt của chúng ta. Như thế, những con virus kiêu ngạo, tự mãn, lười biếng và những tham, sân, si sẽ không có cơ hội đột nhập vào trong con người của chúng ta được nữa.
Điều mà Chúa Giêsu muốn nơi hai người mù năm xưa cũng là điều mà Ngài muốn nơi mỗi người chúng ta hôm nay. Đó là phải biết trông cậy và đặt trọn niềm tin vào Chúa – Đấng luôn yêu thương và giàu lòng thương xót đối với chúng ta. Cái mù thể lý đã khốn khổ đến như vậy rồi, phương chi là cái mù tâm hồn còn đau đớn xót xa hơn biết bao nhiêu.
Lời của Đức Giêsu làm cho lòng tin phát sinh hiệu qủa. Là hiệu quả thế lí, nhưng lòng tin mời gọi chúng ta nhận ra và hướng về những hiệu quả vô hình, mang lại hoa trái bền vững và nhiều hơn gấp bội. Bởi vì, sự sống của chúng ta, sự sống này đây, cần ánh sáng của Đức Kitô biết bao. Và để có được “đôi mắt” nhìn thấy và đi trong ánh sáng của Đức Kitô, chúng ta chỉ cần tin thôi, như Người nói với hai người mù.
Huệ Minh
Phản ứng của các Giám Mục Hoa Kỳ trước cái chết của cựu tổng thống George H.W. Bush
Đặng Tự Do 04/Dec/2018

Cựu tổng thống George H.W. Bush đã qua đời vào hôm thứ Sáu 30 tháng 11. Ông từng là một phi công chiến đấu trong Thế chiến II, giám đốc cơ quan tình báo Mỹ CIA, phó tổng thống cho ông Ronald Reagan, và là tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ. Nhưng trong những năm cuối cùng của đời người, đối với ông, trọng trách quan trọng nhất là làm cha của sáu người con, trong đó có cựu tổng thống George W. Bush, vị tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ.
Tổng thống Bush đã gặp Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Rôma hai lần trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Đức Hồng Y Daniel DiNardo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và là Tổng Giám mục Galveston-Houston, dâng lời cầu nguyện cho cựu tổng thống và gia đình ông, và ca ngợi tổng thống Bush là “một người dũng cảm, một nhà lãnh đạo tận tâm và một công chức vị tha.”
Gia đình ông Bush nằm trong tổng giáo phận do Đức Hồng Y DiNardo cai quản.
“Sự nghiệp của Tổng thống Bush trong mắt công chúng - từ tiểu bang Lone Star [tức tiểu bang Texas] đến sân khấu toàn cầu - được đánh dấu bởi sự tận tâm chức thủ và danh dự phi thường”, Đức Hồng Y DiNardo viết trong một tuyên bố được đưa ra bởi tổng giáo phận.
Ngài viết tiếp “Đức tin mạnh mẽ của ông dành cho Thiên Chúa, tình yêu chung thủy dành cho Đệ Nhất Phu Nhân Barbara Bush, và tình yêu vô biên của ông đối với giao ước gia đình là một mô hình để mọi người noi theo. Thành phố Houston rất tự hào gọi đó là một trong những điểm sáng nhất của chúng ta. Chúng tôi mãi mãi biết ơn sự hiện diện và dấn thân của tổng thống với cộng đồng chúng tôi và người dân Houston.”
Cuộc hôn nhân của Bush với Barbara, người đã qua đời hồi đầu năm nay, là cuộc hôn nhân dài nhất trong lịch sử các tổng thống Mỹ.
Các giám mục khác cũng đã ra những tuyên bố ca ngợi vị tổng thống thứ 41.
“Một người đàn ông tử tế và khiêm nhường chăm lo phục vụ người khác, Tổng thống George H.W. Bush sẽ được nhớ đến như một người đàn ông đầy tính cách nổi bật, một người chồng và người cha đã làm hết sức mình để làm cho quốc gia này tử tế và hiền lành hơn. Ông đã hướng dẫn đất nước chúng ta trải qua những thời điểm khó khăn với ân sủng, phẩm giá và lòng can đảm,” Đức Cha Nelson Perez, Giám Mục Cleveland viết trong tuyên bố ngày 1 tháng Mười Hai.
Đức Giám Mục Robert Deeley của Portland, Maine, thì viết:
“Tổng thống sẽ được nhớ đến vì sự liêm chính của mình. Một con người đầy đức tin và sự khiêm nhường. Xin cho tổng thống an nghỉ trong Chúa, là Đấng mà ông đã phục vụ trong cuộc đời mình”
Tổng thống Bush đã lãnh đạo Hoa Kỳ từ năm 1988 đến năm 1992. Chứng kiến sự sụp đổ của cộng sản tại Đông Âu và Liên Sô, ông nói, “Nhờ ơn sủng của Thiên Chúa, nước Mỹ đã chiến thắng trong cuộc Chiến Tranh Lạnh.”
Cuối năm 1992, tổng thống Bush đã giải thích thêm luận điểm của mình như sau: “Thánh Y Nhã nói: ‘Hãy làm việc như thể tất cả mọi việc đều phụ thuộc vào chính bạn, và hãy cầu nguyện như thể tất cả đều phụ thuộc vào Thiên Chúa.’ Việc thực hành phương châm đó đã đánh bại chủ nghĩa cộng sản. Cầu nguyện không ngừng và làm việc không mệt mỏi đã chặn đứng cuộc Chiến Tranh Lạnh và làm cho đất nước chúng ta thoát khỏi thảm họa của một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Các tín hữu tin tưởng nơi Thiên Chúa đằng sau Bức màn sắt đã vượt thắng được sự bách hại; và các tín hữu ở phương Tây đã vượt thắng sự thờ ơ. Đó là bí quyết chiến thắng của chúng ta.”
Đoàn tị nạn Caravan: Đâu là sự thật?
Thắng Đỗ Gửi tới BBC từ San Jose, California, Hoa Kỳ 2 giờ trước

Hàng ngàn người dân Trung Mỹ đặt chân tới thị trấn Santiago Niltepec ở Mexico hôm 29/10
Trong thời gian vừa qua, từ 'caravan' (nghĩa gốc là một đoàn người cùng đi với nhau, như các nhóm lái buôn hay hành hương xưa kia) xuất hiện hàng ngày trên các phương tiện truyền thông khắp nơi.
Đây là đoàn người tị nạn từ vùng 'Tam Giác Bắc' của Trung Mỹ, gồm ba quốc gia: Honduras, Guatemala và El Salvador. Họ dắt díu nhau đi về hướng Bắc. Mục tiêu của nhiều người là biên giới Mễ-Mỹ để nộp đơn xin tị nạn chính trị ở Mỹ.
Vài tuần lễ trước cuộc bầu cử giữa kỳ, Tổng Thống Trump và phe ủng hộ ông thổi việc này lên để thành tin tức trang nhất: đây là một đoàn quân xâm lược, là bọn băng đảng, nhiều người là dân Trung Đông chứ không phải Trung Mỹ, một đe dọa trầm trọng cho an ninh quốc gia. Những cáo buộc này tuy không dựa trên bằng chứng nào, nhưng chúng đánh vào nỗi sợ hãi người nhập cư không giấy tờ và tính kỳ thị sẵn có của một thành phần trong xã hội Mỹ.
Cùng lúc, những nhà bảo vệ nhân quyền, những người phản đối chính sách chống tị nạn của chính phủ Trump, lên tiếng bảo vệ đoàn người tị nạn. Nhiều cơ quan truyền thông cũng điều tra và viết phóng sự về đoàn người này để tìm hiểu họ thật sự là ai và gia nhập đoàn với động cơ gì.
Những người đi trong đoàn Caravan là ai, băng đảng, khủng bố hay chỉ là những người tị nạn bình thường?
Trong bài này, chúng tôi cố gắng đưa ra sự thật về vấn đề 'caravan', dựa trên thông tin của các cơ quan phi đảng phái và phi vụ lợi như Council on Foreign Relations và Pew Research Center, các đại học danh tiếng như Harvard University, cũng như các tổ chức truyền thông đáng tin cậy của Mỹ và Châu Âu, như tờ New York Times, Washington Post và The Guardian.
 Dòng người từ Honduras đi qua Guatemala đến Mexico với hy vọng vào Hoa Kỳ. Cảnh chụp ở sông Suchiate từ Ciudad Tecun Uman ở Guatemala sang Ciudad Hidalgo của Mexico, với công an cảnh sát Mexico đứng nhìn dòng người qua sông hôm 29/10/2018.
Những người đi theo Caravan là ai?
Vài câu chuyện được tờ báo The Guardian kể lại sau khi phỏng vấn một số người trong đoàn caravan:
Tuy cuộc sống ở Honduras rất khốn khổ, với nạn băng đảng tràn lan, thất nghiệp và lạm phát phi mã, bà Miriam Carranza vẫn cố gắng chịu đựng. Cùng với chồng làm thợ xây cất, bà nuôi gia đình bằng số lương ít ỏi của hai người, cho đến khi một băng đảng địa phương đòi vợ chồng bà đóng 'thuế chiến tranh', nhiều hơn tiền thu nhập của cả hai. Họ dọa sẽ giết con gái nếu ông bà không chịu trả. Sợ hãi, họ bỏ nhà, bỏ quê để sống lây lất, cho đến khi gia nhập đoàn đoàn caravan đang chuẩn bị đi sang Mexico.
Gerson Martinez, 22 tuổi, mặt còn búng ra sữa, bế đứa con sáu tháng, có ngọai hình thật sự không giống 'quân xâm lược' chút nào. Anh bỏ quê ở San Pablo Sula, một trong những thành phố với tỉ lệ giết người cao nhất thế giới. Thất nghiệp và tuyệt vọng, anh bị một băng đảng buộc để cho họ trữ súng trong nhà anh. Thay vì gia nhập băng đảng như họ kêu gọi, anh bế con chạy trốn và gia nhập đoàn caravan. "Nếu tôi gia nhập", anh vừa nói vừa khóc, "sau này đấy cũng là tương lai của con tôi".
Nhiều người tị nạn trong đoàn kể lại những kinh nghiệm tương tự. "Họ dọa sẽ cứa cổ tôi trong 24 giờ", cô Aida Acevedo nói trong khi đưa ngón tay trỏ đẩy ngang cổ mình. Cô lập tức bỏ trốn và tìm đường đi Mỹ khi cô khám phá có đoàn caravan và nhập vào với họ. Cô hiểu rằng đi một mình rất nguy hiểm và dễ dàng trở thành nạn nhân bị các băng đảng dọc đường cướp giật hay hãm hiếp.
Ai là người tổ chức đoàn Caravan?
Có ai đứng sau xúi giục hay tổ chức đoàn người này không?
Tổng Thống Trump và nhiều người ủng hộ ông cáo buộc là George Soros, một trong những tỷ phú từng lên tiếng kịch liệt chống các chính sách của Trump, đã bỏ tiền ra hỗ trợ cho đoàn. Nhưng cho đến giờ, họ chưa đưa ra được bằng chứng nào để hỗ trợ cho cáo buộc đó.
Cũng theo tờ Guardian, một nghị viên Honduras, ông Barolo Fuentes, đã cùng với khoảng 160 người tuần hành từ Pedro Sula về hướng Bắc. Qua khỏi biên giới, ông bị an ninh của Guatemala bắt giữ và trục xuất trở về Honduras. Tuy bị các nhóm chống tị nạn cáo buộc ông là người tổ chức cho đoàn caravan, ông đã phủ nhận điều đó và chưa thấy ai đưa ra bằng chứng gì ngược lại.
Một tổ chức từ thiện của Mexico, Pueblo Sin Fronteras (Nhân Dân Không Biên Giới) có cung cấp thực phẩm và vật dụng cần thiết cho đoàn người, nhưng cũng phủ nhận đóng bất cứ vai trò lãnh đạo nào.
"Không có ai tổ chức cả", anh Alex Mensing, một phối hợp viên của tổ chức nói, "giống như những người tị nạn Syria, họ không cần ai tổ chức, thúc giục họ. Đây là một làn sóng tị nạn thật sự để thoát tình trạng nguy hiểm do bạo động và tìm nơi trú ẩn an toàn".
Còn sự liên hệ của George Soros? Nó bắt nguồn từ một "tin giả" - faked news, đăng trên Facebook; chính ông Jim Snyder, người đầu tiên loan tin này, đã ghi rõ nó là tin giả, nhưng người ta vẫn truyền bá khắp mạng xã hội như thể chuyện thật.
Tại sao họ lại bỏ xứ ra đi?
Theo Council on Foreign Relations (Hội Đồng Quan Hệ Quốc Tế), cả ba quốc gia của vùng 'Tam Giác Bắc' đều đã từng hứng chịu nạn tham nhũng tràn lan và có hệ thống, hỗ trợ bởi các băng đảng và bọn buôn lậu ma túy, hay có khi bởi chính lực lượng an ninh chính phủ.
Tình trạng này bắt nguồn từ cuộc nội chiến El Salvador và Guatamela trong thập niên 1980. Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong các cuộc chiến này khi viện trợ vũ khí cho phe chính phủ. Honduras không bị chiến tranh nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề do là nước láng giềng.
Hệ lụy của chiến tranh là rất nhiều người mất nhà cửa và bị thất nghiệp, và đất nước họ trở thành một kho súng đạn khổng lồ. Nạn buôn lậu ma túy tràn sang và dễ dàng phát triển, nhất là với sự toa rập của các quan chức tham nhũng. Hoàn toàn không có một thế lực nào bảo vệ cho những người dân bị kẹt ở giữa các lằn đạn.
Họ có làm gì phạm pháp không?
Luật Mỹ và Luật Quốc Tế cho phép bất cứ ai từ bất cứ quốc gia nào có quyền nộp đơn xin tị nạn vào một quốc gia khác, và quốc gia đó, trong trường hợp này là Mỹ, có quyền nhận hay từ chối những người này, sau khi xét đơn của họ một cách công bằng và theo qui chế tị nạn chính trị. Quốc gia đó cũng cần đối xử với những người xin tị nạn theo tiêu chuẩn nhân đạo tối thiểu.
Việc những người từ Trung Mỹ đến biên giới và mong nộp đơn xin tị nạn tại cửa khẩu Mỹ hoàn toàn hợp pháp. Trong trường hợp đoàn caravan, chính phủ Mỹ đã tạm thời đóng cửa khẩu và cắt giảm số hồ sơ thu nhận so với những năm trước đây. Chính hai điều đó đã vi phạm luật Mỹ và là nguyên nhân biến sự việc trở thành một biến cố căng thẳng.
Một số người tị nạn đã tự động leo rào, có người ném đá, tức là làm những hành động phạm pháp. Nhưng đó chỉ là một số nhỏ trong con số khoảng 7.500 người trong đoàn.
Vả lại, sau một cuộc hành trình nhọc nhằn dắt díu nhau lội bộ và quá giang dài hơn hai nghìn dặm, rồi bị ngăn trở không cho nộp đơn, phản ứng của họ có lẽ không phải là điều không thể đoán trước được.
Họ sẽ trở thành gánh nặng cho Mỹ?
Các đoàn caravan của người di cư từ Trung Mỹ trước đây vẫn từng đến biên giới Hoa Kỳ, nhưng đây là số người đông nhất trong từ bao lâu nay. Giống như một nhóm caravan đến biên giới Mỹ mùa Xuân năm ngoái, đoàn caravan này đã bị Tổng thống Trump kết án, với những tuyên bố tại các cuộc vận động tranh cử cho cuộc bầu cử giữa kỳ, khiến họ trở thành tâm điểm của các cuộc biểu tình. Ông Trump lợi dụng tình cảnh của những người này để nhắc nhở phe ủng hộ về lời hứa cứng rắn với dân nhập cư của mình.
Vẫn theo tờ New York Times, ngay cả khi cả nhóm trên dưới 5.000 người này đến được biên giới, con số này chỉ đại diện cho một phần rất nhỏ của những người di cư đến biên giới Mỹ mỗi năm. Không có số liệu chính thức về tổng số người vượt biên giới bất hợp pháp, nhưng Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ đã giam giữ khoảng 396.579 người vượt biên giới Mexico phía Nam bất hợp pháp từ tháng 10 năm 2017 đến tháng 9 năm 2018.
Có phải những người đi theo đoàn caravan nói trên chỉ nhắm đi Mỹ và sẽ trở thành gánh nặng cho Mỹ?
Nhiều người trong đoàn có người quen hoặc người thân ở Mỹ, và muốn xin tị nạn ở Mỹ. Nhưng theo tờ New York Times, đã có khoảng 1.500 người xin tị nạn tại Mexico. Mỹ từ trước đến giờ luôn luôn là miền đất hứa của người tị nạn khắp nơi, kể cả Việt Nam.
 Từ thành phố Ciudad Hidalgo, đoàn người di cư đi bộ hướng về phía Bắc
Caravan và Người tị nạn Việt Nam
Gia đình chúng tôi rời Việt Nam cùng với khoảng 200 ngàn người Việt khác trong những ngày cuối cùng trước khi VNCH sụp đổ, trên một chiếc phi cơ vận tải của Không Quân Hoa Kỳ. Sau vài tuần ở đảo Guam, chúng tôi được cấp giấy tờ tạm trú và cho phép xin việc khi đến lãnh thổ Hoa Kỳ.
Mãi 40 năm sau, tôi mới hiểu rằng chúng tôi đã là những người di dân bất hợp pháp vào thời điểm đó.
Theo cuốn phim tài liệu 'The Last Days of Vietnam', cho đến ngày 29 tháng tư, 1975, chính phủ Mỹ không đưa ra một lệnh nào cho phép người Việt được tị nạn ở Mỹ.
Những nhân viên Mỹ có mặt tại Sài Gòn đã cố tình bất tuân lệnh cấp trên và hành động trái luật Mỹ để tổ chức 'chui' cuộc tị nạn đó. Chúng tôi chỉ thực sự có qui chế hợp pháp vào ngày 23 tháng 5, 1975, khi Tổng Thống Ford ký Indochina Migration and Refugee Assistance Act - Sắc Lệnh Hỗ Trợ Người Di Dân và Tị Nạn Đông Dương.
Sau đó là làn sóng vượt biển của thuyền nhân. Tôi còn nhớ rất rõ các tranh cãi ở Mỹ về người Việt là tị nạn chính trị hay tị nạn kinh tế.
Người Mỹ nào hiểu được rằng chúng ta không dễ dàng tách rời chính trị và kinh tế. Nhiều người không đáp ứng được tiêu chuẩn tị nạn chính trị, nhưng họ bị ruồng bỏ hoặc không có cách kiếm sống do sự tồi tệ của chế độ nơi họ sống. Hơn nữa, nạn nhân chính trị hay nạn nhân kinh tế có khác gì nhau? Họ đều là những người cùng khốn, cần được sự giúp đỡ.
Theo một nghiên cứu của Đại Học Harvard, khoảng 1.500 người tị nạn Việt Nam được định cư ở thành phố Niceville, Florida vào năm 1975. Những người này gặp phải sự chống đối dữ dội từ cộng đồng người da trắng. Theo một thống kê của đài truyền thanh địa phương, 80 phần trăm người bản xứ chống những cư dân mới.
Lý do?
Họ tin là người tị nạn mang theo bệnh truyền nhiễm; có Cộng sản nằm vùng trong đám họ; và họ sẽ cướp việc làm của dân địa phương. Học sinh một trường trung học tổ chức hội Gook Klux Klan (gook là từ miệt thị của người da trắng dùng cho người Việt; tên nhái theo hội Ku Klux Klan hay KKK, một hội da trắng kỳ thị đã từng giết và đàn áp người da đen. Ở Galveston, Texas, họ cũng huy động người địa phương hăm dọa, đốt thuyền và đánh đập các ngư dân gốc Việt).
Nhìn một người tị nạn đói rách, thiếu vệ sinh, bơ vơ, chúng ta rất dễ dàng gán cho họ các động cơ gian dối, cho dù có thật hay không: họ tham tiền, họ bị giật dây, họ là thành phần của một âm mưu chính trị bẩn thỉu nào đó. Nhưng nếu cố nhìn qua cái bề ngoài tệ hại đó của họ: họ chỉ là những người cha, người mẹ mong tìm nơi trú ẩn cho gia đình; là những trẻ em đáng thương; là những người già yếu.
Trước năm 1975, học sinh nào ở VNCH cũng thuộc lòng vài câu thơ trong Gia Huấn Ca của Nguyễn Trãi: "...Thấy ai đói rách thì thương,Rách thường cho mặc, đói thường cho ăn.Thương người như thể thương thân,Người ta phải bước khó khăn đến nhà...''
Hãy mở rộng tấm lòng, giúp họ tùy theo sức của chúng ta, như người Mỹ tốt bụng đã giúp người tị nạn Việt Nam trên dưới 40 năm trước đây. Nước Mỹ, người Mỹ cũ và người Mỹ mới như chúng ta không thể nào tệ hại đến mức ngoảnh mặt với những người có cảnh ngộ không khác chúng ta.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Thắng Đỗ một kiến trúc sư hành nghề ở San Jose, California, Hoa Kỳ. Ông là thành viên của PIVOT, Hội Người Mỹ Gốc Việt Cấp Tiến.
Tổ chức Trump bị buộc giao nộp tài liệu trong vụ kiện thù lao
06/12/2018
 Khách sạn Quốc tế Trump ở Washington
Tổng chưởng lí của bang Maryland và Địa khu Columbia (thủ đô Washington) hôm thứ Ba đã chính thức yêu cầu hồ sơ tài chính từ các cơ sở kinh doanh của Tổng thống Mỹ Donald Trump như một phần trong vụ kiện của họ cáo buộc các giao dịch của ông với chính phủ nước ngoài vi phạm các điều khoản chống tham nhũng của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Các tổng chưởng lí đã ra trát buộc Tổ chức Trump, công ty bất động sản thuộc sở hữu tư nhân của tổng thống, và các công ty liên đới phải giao nộp tài liệu.
Hàng loạt trát đòi giao nộp tài liệu được gửi đi một ngày sau khi Thẩm phán liên bang Peter Messitte ở Greenbelt, bang Maryland bắt đầu giai đoạn khám phá của vụ kiện. Giai đoạn này cho phép đương đơn đòi câu trả lời cho những câu hỏi cụ thể và đòi bị đơn trưng ra các tài liệu nhạy cảm.
Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan hiện đang biện hộ cho tổng thống trong vụ kiện, không trả lời yêu cầu bình luận ngay lập tức, Reuters cho biết.
Các tổng chưởng lí đang tìm kiếm một loạt tài liệu, bao gồm báo cáo doanh thu và hồ sơ khai thuế từ các công ty thuộc Tổ chức Trump.
Phớt lờ các trát đòi giao nộp tài liệu sẽ đưa tới phán quyết khinh mạn tòa án.
Các luật sư của chính phủ Mỹ cho biết hôm thứ Sáu tuần trước trong hồ sơ đệ trình tòa án rằng họ dự định yêu cầu tòa án phúc thẩm dừng giai đoạn khám phá lại và xét lại phán quyết trước đó của Thẩm phán Messitte cho phép vụ kiện được xúc tiến.
Vụ kiện, được đệ trình vào tháng 6 năm 2017, lập luận rằng tổng thống Đảng Cộng hòa đã không tách mình khỏi hoạt động kinh doanh của các khách sạn và các doanh nghiệp khác, khiến ông dễ trở thành đối tượng mà các quan chức muốn hối lộ để được ưu ái.
Vụ kiện cáo buộc ông Trump vi phạm các điều khoản "thù lao" của Hiến pháp được minh định để ngăn chặn tham nhũng và ảnh hưởng của nước ngoài. Một điều khoản cấm các quan chức Hoa Kỳ nhận quà tặng hoặc các khoản thù lao khác từ chính phủ nước ngoài mà không có sự chấp thuận của Quốc hội. Một điều khoản khác cấm tổng thống nhận thù lao từ các bang riêng lẻ.
Thẩm phán Messitte sau đó đã thu hẹp phạm vi vụ kiện với các tuyên bố liên quan tới Khách sạn Quốc tế Trump ở Washington chứ không phải các cơ sở kinh doanh của ông Trump bên ngoài thủ đô của Mỹ.
Mỹ ‘dừng’ trục xuất di dân Việt – Niềm vui dang dở
06/12/2018 Đông Hải Những người "vô tổ quốc"
“Đó có phải tin tốt không anh?”
Đây là phản ứng đầu tiên của Chí, một người Việt nằm trong diện trục xuất của chính phủ Hoa Kỳ, khi được phóng viên VOA Tiếng Việt hỏi ý kiến về quyết định mới đây của chính quyền TT Trump, tạm ngưng trục xuất những người Việt tới Mỹ trước năm 1995.
Trước đó, tờ New York Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ An ninh Nội địa Mỹ Katie Waldman xác nhận việc trục xuất với những người gốc Việt hiện không còn được phía Hoa Kỳ ‘tập trung cao độ’ nữa.
Theo biên bản phán quyết hôm 18/10 của thẩm phán Cormac J. Carney thuộc toà án liên bang khu vực California, đại diện của chính quyền Tổng thống Donald Trump thừa nhận đã kí một thoả thuận mới với Việt Nam hồi tháng 8, mà theo đó, việc trục xuất người Việt tới Mỹ trước năm 1995 “không thể đoán định một cách hợp lý”.
Người Việt trong trại tù Di trú Mỹ Theo thống kê của Bộ An ninh Nội địa Mỹ, có khoảng 7.700 cho tới 8.000 người Việt thuộc diện chờ trục xuất. Rất nhiều người trong số này đã bị tước tình trạng thường trú nhân do phạm pháp.
Chí là một trong số đó. Anh bị cảnh sát bắt vì tàng trữ cần sa. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, nhờ vào một thoả thuận ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ký năm 2008, những di dân người Việt tới Mỹ trước 1995 như anh không phải đối mặt với nguy cơ bị đưa trở lại Việt Nam.
Nhưng kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, phía Hoa Kỳ đã diễn giải lại thoả thuận này, cho rằng những di dân người Việt tới Mỹ trước năm 1995 không phải là đối tượng mà bản ghi nhớ năm 2008 đề cập đến. Điều này cũng được Đại sứ đương nhiệm của Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Daniel Kritenbrink khẳng định với VOA Tiếng Việt:
“Thoả thuận này chỉ chính thức đề cập đến những người tới Mỹ sau năm 1995, nó vạch ra một qui trình để xử lí những người này. Còn với những người đến trước năm 1995, thoả thuận này không hề đề cập đến.”
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink
Kể từ đó tới nay, chỉ trong vòng hai năm, anh Chí đã bị Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Hoa Kỳ (ICE) bắt giam tới ba lần để chờ trục xuất.
“Lần đầu mình vô năm tháng rưỡi, rồi mình ra ba tháng, xong mình lại vô đó ba tháng, sau đó lại được thả, rồi bốn tháng sau lại bị bắt lại, là ba lần như vậy.” Anh Chí cho biết.
Những lần vào tù ra khám liên tục trong một thời gian ngắn khiến cuộc sống của gia đình anh, gồm vợ và một người con sáu tuổi mắc chứng tự kỉ, bị đảo lộn hoàn toàn.
Theo qui định của chính phủ Hoa Kỳ, những người không có quốc tịch Mỹ phạm các tội đại hình, sẽ bị sở Di trú tạm giam để chờ trục xuất. Việc tạm giam này không mang tính trừng phạt, mà để chờ phía quốc gia tiếp nhận, trong trường hợp này là Việt Nam, đồng ý cấp giấy phép thông hành cho những người bị Mỹ trục xuất.
Chính vì vậy, quyết định dừng trục xuất của chính phủ Hoa Kỳ sẽ giúp cơn ác mộng của anh Chí tạm thời chấm dứt, để anh có thể đi xin giấy phép lao động, tiếp tục làm việc nuôi gia đình. Đây rõ ràng là một tin tốt đối với những người như anh, cũng như với 28 di dân người Việt còn đang bị giam giữ tại các trại tạm gia của sở di trú. Nhưng …
Tất cả chỉ là tạm thời
Động thái tạm dừng trục xuất di dân người Việt tới Mỹ trước năm 1995 của chính phủ Hoa Kỳ diễn ra một cách thầm lặng. Mọi việc chỉ công khai sau khi tờ New York Times tiếp cận được biên bản vụ kiện chính quyền Trump của các luật sư thuộc nhóm Thúc đẩy Công lý cho người Mỹ gốc Á (AAAJ). Những người này đại diện đòi quyền lợi cho một số di dân người Việt bị tạm giữ quá 90 ngày bởi Sở Di trú.
Trong biên bản được viết bởi thẩm phán Cormac J. Carney, phía chính phủ Hoa Kỳ cho biết đã bắt đầu phóng thích số di dân Việt tới Mỹ trước năm 1995 hiện bị tạm giam, bởi không có khả năng trục xuất những người này trở về Việt Nam trong một tương lai “có thể đoán định”.
Nhưng điểm đáng lưu ý ở đây, đó chính là chỉ một vài tháng trước, đại diện phía bị đơn – tức chính phủ Hoa Kỳ, còn khẳng định, Việt Nam sẽ nhận số di dân này, chiếu theo một thoả thuận vào giữa năm 2017.
Điều này cho thấy tương lai của những người Việt trong diện bị trục xuất, phụ thuộc hoàn toàn vào những thoả thuận giữa chính phủ hai nước, và có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Thẩm phán Cormac J. Carney cũng cho biết "Chính quyền không thừa nhận rằng họ đã vi phạm các quyền Hiến pháp của các cá nhân này khi giam giữ họ và biết rằng họ không thể và sẽ không được trở về Việt Nam. Chính quyền dứt khoát bảo lưu quyền tái giam giữ tất cả những người đã thả ra gần đây".
Vậy tức là anh Chí có thể sẽ bị Sở Di trú Mỹ bắt giữ … lần thứ 4, nếu Việt Nam nối lại và đẩy nhanh việc tiếp nhận những di dân phạm pháp trở về nước.
Tương lai nào cho những người “vô tổ quốc” ?
Trả lời phỏng vấn VOA Tiếng Việt, luật sư di trú Khanh Phạm từ Texas khẳng định trong tương lai gần, những di dân Việt tới Mỹ trước năm 1995 sẽ không bị trục xuất. Theo ông, những người trong diện này có thể tự tin ra trình diện Sở Di trú và xin giấy phép lao động, cũng như bằng lái xe.
“Cái này là họ (chính phủ Mỹ) chỉ tạm đổi cái xu hướng của họ thôi và không có gì cố định cả,” luật sư Khanh nói thêm.
Luật sư di trú Khanh Phạm
Còn theo cựu thẩm phán Phan Quang Tuệ từ California, những di dân người Việt trong diện trục xuất như anh Chí không nên tiếp tục trông đợi vào thoả thuận kí năm 2008 giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Theo ông, bản ghi nhớ này không thể bảo vệ được những người Việt tới Mỹ trước năm 1995 khỏi nguy cơ bị trục xuất.
“Cái memorendum (bản ghi nhớ) 2008 nó không có áp dụng, đề cập, nói gì tới cái nhóm người tới trước năm 1995 hết. Nếu mà hiểu là nó bảo vệ những người đó khỏi bị trục xuất là hoàn toàn trật lất. Hiểu như vậy là hiểu sai,” ông Phan Quang Tuệ chia sẻ.
Và thực tế cũng cho thấy, khi cần thiết, chính phủ hai phía Việt-Mỹ có thể thay đổi nội dung thỏa thuận, nhằm phù hợp với lợi ích tại từng thời điểm của mỗi bên.
Thống đốc California Jerry Brown tại một buổi họp báo hôm 14/11/2018 (ảnh tư liệu) Vị cựu thẩm phán có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực di trú, cả hành pháp lẫn tư pháp này cho biết, gần như không có cách nào để hoàn toàn loại bỏ khả năng những người Việt tới Mỹ trước năm 1995 bị trục xuất; nhưng nếu cộng đồng người Việt đoàn kết và có một lãnh đạo đủ mạnh có thể tác động một cách “mềm mỏng” tới các cơ quan thực thi pháp luật của Hoa Kỳ, thì cuộc sống của những người thuộc diện bị trục xuất có thể sẽ dễ thở hơn.
Và quan trọng hơn, một thái độ cảm thông và bao dung của cả cộng đồng có thể giúp những người như anh Chí có thể yên tâm làm việc nuôi sống gia đình khi mà “lưỡi gươm” trục xuất vẫn lơ lửng kề ngay cổ.
Tổng giám đốc Đức bị Trung Quốc sa thải : Một gáo nước lạnh cho Berlin
Tác giả: Thụy My Nguồn: RFI Ngày đăng: 2018-12-05

Xe hơi BMW được các "cánh tay robot" của KUKA lắp ráp.Wikipedia
Hôm thứ Hai 26/11/2018, ông chủ mới Trung Quốc khi loan báo về việc sa thải Till Reuter, tổng giám đốc KUKA, tập đoàn Đức nổi tiếng về sản phẩm « cánh tay thông minh », biểu tượng cho công nghệ thời kỳ 4.0, đã dội một gáo nước lạnh vào giới kỹ nghệ nước Đức.

Giám đốc điều hành Till Reuter của công ty KUKA đứng cạnh thủ tướng Angela Merkel đang thử vận dụng cánh tay máy do công ty này chế tạo Ông Till Reuter, 50 tuổi, vốn là người tích cực ủng hộ việc tập đoàn Midea của Trung Quốc mua lại KUKA với giá 4 tỉ đô la hồi năm 2016. Bộ trưởng Kinh Tế Đức thời đó là Sigmar Gabriel đã làm mọi cách để ngăn cản nhưng không được. Từ đó đến nay, ông Reuter không bỏ lỡ một dịp nào để nhấn mạnh việc Midea mua KUKA rất có lợi cho tập đoàn Đức.
Nhưng những lời ca ngợi này không cứu vãn được sự nghiệp của chính ông Reuter. Ông bị ông chủ Hoa lục cho về vườn một cách phũ phàng, sau mười năm lãnh đạo tập đoàn KUKA, tên tuổi hàng đầu thế giới trên thị trường robot thông minh.
Nhật báo kinh tế Handelsblatt dẫn các nguồn tin kỹ nghệ tiết lộ, đó là do cổ đông Trung Quốc muốn tăng thêm trọng lượng trong những quyết định của KUKA. Tất nhiên ban lãnh đạo do Bắc Kinh khống chế cố tìm mọi cách trấn an, bảo đảm việc làm cho công nhân đến năm 2023. Nhưng sự kiện Till Reuter bị ông chủ Trung Quốc đột ngột tống cổ, đã kết thúc hẳn thời kỳ ngây thơ của Berlin.
Tin tưởng rằng các nhà đầu tư Hoa lục là vô hại, Đức đã để yên cho họ mua lại các công ty của mình. Nhưng Bắc Kinh quá háu ăn, một loạt các vụ thâu tóm năm 2015 và 2016 khiến Berlin bắt đầu lo ngại.
Mikko Huotari, giám đốc Viện Merics giải thích : « Chúng tôi nhận ra rằng người Trung Quốc không giống những nhà đầu tư các nước khác. Ba năm sau đợt hàng loạt công ty Đức bị Trung Quốc mua lại, các ông chủ mới không hề quan tâm đến các vấn đề sát sườn của địa phương. Trường hợp KUKA chứng tỏ khả năng hành động của doanh nghiệp châu Âu bị thu hẹp dưới sự can thiệp của ban lãnh đạo Trung Quốc ».
Sự kiện này làm giới kỹ nghệ Đức tăng thêm ngờ vực trước đối tác Trung Quốc. Kể từ sau Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc gần đây, người Đức ghi nhận chính quyền Bắc Kinh đè nặng chưa từng thấy lên các quyết định của giới công nghiệp. Các công ty ngày càng bị giám sát chặt hơn, hy vọng cải thiện, mở rộng thêm thị trường Hoa lục tan thành mây khói. Cho đến nỗi BDI, nghiệp đoàn kỹ nghệ Đức nay kêu gọi các thành viên giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
 Ông Frank- Walter Steinmeier, tổng thống Cọng Hòa Liên Bang Đức Trong một thông báo chưa công bố nhưng hãng tin Anh Reuters đọc được hôm 31/10, BDI khuyến cáo các công ty Đức tính toán lại chuỗi gia công sản xuất, xem lại trọng lượng thị trường Hoa lục trong tổng lượng hàng bán. BDI nhấn mạnh : « Có sự cạnh tranh dứt khoát giữa mô hình kinh tế thị trường rộng mở của chúng ta và nền kinh tế Trung Quốc do nhà nước lãnh đạo », và nhận định, việc mở cửa thị trường Hoa lục như hứa hẹn có thể sẽ không bao giờ xảy ra.
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, từ hôm qua 04/12/2018, bắt đầu chuyến công du Trung Quốc 6 ngày. Quan hệ thương mại đôi bên hiện căng thẳng đến nỗi tất cả phát biểu đều được theo dõi kỹ càng.
Ý kiến độc giả :
Thế giới đã bắt đầu mở mắt và hiểu về sự gian manh của thằng Tàu ra sao để khởi sự đề phòng. Riêng Việt Nam đã được cảnh báo từ rất lâu và nay đã quá từng trải với cái gian manh và tham lam của thằng Tàu, nhưng như thể bị quỷ ám, họ vẫn ngu muội đâm đầu vào đít của nó để xin được bưng bôcho nó, vì thế dân Việt Nam ngày nay rất xứng đáng làm nô lệ cho Tàu, tự nguyện bưng cứt đổ đái cho nó trong 1000 năm tới, đừng mong thoát khỏi cái nghiệp chướng của kiếp ngu muội này.
Hiện nay vẫn còn một đám đông Phật tử sân si phản Thích Ca luôn miệng chưởi chế độ Đệ Nhất VNCH vì chế độ này đã sáng suốt cảnh báo bọn chúng và toàn dân Việt về hiểm họa của Tàu Cọng, nhưng bọn ngu đó đã bị quỷ ám, ra sức hủy hoại chế độ ưu việt đó rồi mở cửa rước VC và Tàu Cọng vào, vì thế hậu quả của chúng là sẽ bị đắm chìm trong tăm tối nô lệ ngàn năm. Đó là Nghiệp Chướng khó thoát !
JB Trường Sơn
Hai phi cơ TQLC Mỹ gặp nạn tại Nhật, 7 quân nhân mất tích
December 5, 2018

Một phi cơ tiếp tế nhiên liệu KC-130 và một trực thăng của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đang thực tập tiếp tế nhiên liệu. (Hình: US Navy)
WASHINGTON, D.C. (NV) – Các nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn đang được tiến hành ngoài bờ biển Nhật sau khi hai phi cơ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ gặp tai nạn trong một phi vụ huấn luyện tiếp tế nhiên liệu trên không, theo các giới chức quân đội Mỹ cho hãng thông tấn Reuters hay hôm Thứ Tư, 5 Tháng Mười Hai.
Hiện có nguồn tin chưa được xác nhận nói rằng ít nhất một trong bảy người mất tích đã được vớt lên trong lúc trôi dạt trên biển.
Bộ Chỉ Huy Thủy Quân Lục Chiến Mỹ không cung cấp thêm chi tiết nào khác về vụ này, vốn xảy ra vào lúc khoảng 2 giờ sáng Thứ Năm, giờ địa phương tại Nhật.
Hai phi cơ này cất cánh từ căn cứ đặt các phi cơ của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ Iwakuni và có chuyến bay huấn luyện thường lệ thì tai nạn xảy ra.
Một giới chức Mỹ, yêu cầu được giấu tên, nói với hãng thông tấn Reuters hay rằng một chiếc phi cơ là loại chiến đấu cơ F/A 18, có hai phi công, và chiếc kia là loại phi cơ tiếp tế nhiên liệu KC-130, với phi hành đoàn gồm năm người.
Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cho hay các phi cơ tìm kiếm và cấp cứu Nhật cũng cấp thời huy động và trợ giúp kiếm các nạn nhân.
(V.Giang)
Little Saigon: Trường La Quinta cảnh báo học sinh coi chừng bị ‘bắt cóc’
December 5, 2018

Học sinh trường trung học La Quinta thuộc học khu Garden Grove trong một buổi diễn hành. (Hình: Change.org)
WESTMINSTER, California (NV) – Trường trung học La Quinta thuộc học khu Garden Grove, ngay cạnh Little Saigon, nơi có rất nhiều con em người Việt theo học, vừa gửi thư và tin nhắn cảnh báo cho tất cả phụ huynh biết về chuyện có học sinh suýt bị “bắt cóc.”
Theo thông báo, tối qua, Thứ Ba, 4 Tháng Mười Một, hai em học sinh đang đi bộ gần trường thì bị một người đàn ông tiến đến gần.
Người đàn ông được mô tả là người da trắng, cao khoảng 5 feet 9, cỡ 40 tuổi, bị hói đầu, và rất lực lưỡng. Một trong hai em học sinh bị người đàn ông này túm lấy nhưng may mắn là cả hai em vùng chạy được đến nơi an toàn.
Sau khi nhận được tin trên, trường La Quinta ngay lập tức báo với cảnh sát Westminster để tiến hành điều tra.
Nhà trường nhắc nhở quý phụ huynh lưu ý con em mình hãy luôn đề cao cảnh giác, quan sát xung quanh cẩn thận khi đi bộ đến trường cũng như đi bộ về nhà, đặc biệt là vào buổi tối.
(N.L)
Edited by user Wednesday, December 5, 2018 9:51:58 PM(UTC)
| Reason: Not specified
|